Khô khớp xảy ra khi khớp không sản sinh hoặc sản sinh không đủ chất nhờn bôi trơn khi sụn khớp hoạt động. Khớp bị khô cứng gây ra tiếng lạo xạo khi cử động. Tình trạng này thường gặp ở khớp gối, khớp háng, khớp vai, khớp bàn tay - ngón tay...
ThS.BS Phạm Thị Xuân Thư, khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đậu bắp không có khả năng tái tạo sụn hay tăng tiết dịch khớp như một số người vẫn lầm tưởng, do đó không thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh khô khớp. Tuy nhiên, đậu bắp chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu có thể củng cố mật độ xương, hỗ trợ ngăn ngừa loãng xương, như axit folic, canxi, vitamin K, vitamin B9 và magie... Các hợp chất như polyphenolic, chất chống oxy hóa và chất nhầy cũng giúp giảm khô và đau nhức khớp.
Bác sĩ Thư gợi ý một số cách chế biến đậu bắp có lợi cho xương khớp dưới đây.
Nước ép đậu bắp: Chuẩn bị 7-10 quả đậu bắp, cắt bỏ cuống, rửa sạch, ngâm trong nước muối loãng 10 phút. Đun sôi trong một phút, cắt đôi, bỏ hạt. Xay đậu bắp với một ít nước lọc, lọc lấy nước cốt. Uống ngay sau khi xay, dùng mỗi ngày một lần.
Đậu bắp luộc: Rửa sạch, luộc trong nước sôi có pha chút muối khoảng ba phút. Vớt đậu bắp ra và ngâm ngay vào nước đá lạnh giúp đậu xanh và giòn. Thưởng thức cùng nước chấm.
Ăn đậu bắp đúng cách hỗ trợ cải thiện tình trạng khô khớp. Ảnh: Phi Hồng
Đậu bắp xào tỏi: Chuẩn bị 500 g đậu bắp, một củ tỏi, gia vị. Rửa sạch đậu bắp, bỏ cuống, cắt đôi. Băm nhỏ tỏi và phi thơm, sau đó cho đậu vào xào ở nhiệt độ cao khoảng 5 phút cho chín tới. Nêm nếm gia vị vừa ăn.
Đậu bắp xào thịt gà: Chuẩn bị 250 g đậu bắp, 150 g thịt gà, hành, tỏi, gia vị. Rửa sạch thịt gà, thái miếng, ướp gia vị. Rửa sạch, thái nhỏ đậu bắp, trụng sơ qua nước sôi. Phi thơm hành tỏi, cho thịt gà vào xào chín. Cho đậu bắp vào, đảo đều, nêm nếm gia vị, sau đó ăn cùng cơm trắng.
Ngoài đậu bắp, người bệnh khớp vẫn cần ăn uống đủ chất, bổ sung các thực phẩm giàu vitamin, omega 3 và khoáng chất thiết yếu, hạn chế thực phẩm gây viêm, thức ăn nhanh, đồ chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, đường...
Bác sĩ Thư kiểm tra tình trạng chức năng khớp cổ tay người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ Thư lưu ý đậu bắp chỉ có tác dụng hỗ trợ, không thể thay thế thuốc điều trị. Do đó, người bệnh vẫn cần tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ. Nếu cần thiết, người bệnh có thể được điều trị kết hợp các phương pháp khác như tiêm khớp, vật lý trị liệu, phẫu thuật.
Tiêm khớp để cải thiện tình trạng khô khớp, giảm ma sát giữa những đầu xương, từ đó khớp hoạt động trơn tru và giảm đau. Một số loại thuốc tiêm khớp được sử dụng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh gồm axit hyaluronic, huyết tương giàu tiểu cầu PRP, collagen...
Vật lý trị liệu gia tăng sức mạnh và độ dẻo dai cho cơ xương khớp. Khi chức năng vận động của xương khớp cải thiện, dịch trong khớp được điều tiết đều đặn hơn, nhờ đó giảm chứng khô khớp từ bên trong.
Phẫu thuật được chỉ định khi khô khớp nghiêm trọng, tổn thương khớp hoàn toàn, gần như không còn sụn khớp bao phủ bề mặt xương, các phương pháp điều trị nội khoa đã không hiệu quả. Để khôi phục hoạt động bình thường của sụn khớp, bác sĩ có thể chỉ định thay khớp nhân tạo.
Phi Hồng
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp